Tìm hiểu về đau đầu căng thẳng

Ngày nay, nhịp sống ở các thành phố ngày càng nhanh và sôi động. Mọi người gần như bị cuốn vào nhịp sống hối hả. Những lo toan cho cuộc sống, cho gia đình, cho con cái gần như chiếm trọn thời gian trong ngày, họ dường như không còn nhiều thời gian cho chính bản thân mình. Và như thế, sự căng thẳng trong cuộc sống cũng ngày càng gia tăng. Các bệnh lý như đau đầu, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ… xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Đau đầu căng thẳng là một dạng đau đầu thường gặp nhất. Nó chiếm tỉ lệ từ 60-90% trong bệnh lý đau đầu. Bệnh lý này thường khởi phát theo sau giai đoạn bị kích thích hoặc căng thẳng tâm lý, mệt mỏi, hoặc trầm cảm. Đây không phải là chứng bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nó lại gây rất nhiều phiều toái cho người bệnh trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày.

Có hai dạng đau đầu căng thẳng thường gặp: dạng đau thành cơn với đặc tính cơn xuất hiện ngẫu nhiên, thỉnh thoảng, và dạng đau mạn tính với biểu hiện đau đầu hơn 15 ngày trong 1 tháng và kéo dài hơn 3 tháng liên tục.
 
Tại sao căng thẳng lại gây ra đau đầu?
Đau đầu xuất hiện khi các cấu trúc cảm nhận đau ở đầu bị kích thích. Chúng được phận bố nhiều ở màng não, hệ thống mạch máu não, cấu trúc da và các cơ bám da đầu.

Trước đây, nguyên nhân của đau đầu căng thẳng được lý giải là do tình trạng gia tăng sự co thắt của các nhóm cơ ở đầu. Ngày nay, các nhà khoa học đã xác định rằng chứng đau đầu này không liên quan trực tiếp đến sự co cơ, mà nguyên nhân chình là do sự thay đổi bất thường của ngưỡng nhạy cảm đau ở các tế bào neuron thần kinh về cảm giác.

Các yếu tố cảm xúc, stress và căng thẳng về tinh thần có liên quan mật thiết với chứng đau đầu căng thẳng. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy các stress tâm lý làm khởi phát đau đầu căng thẳng và các liệu pháp tâm lý thư giãn giúp làm dịu bớt cơn đau đầu. Sự lo âu và trầm cảm làm giảm đi khả năng chịu đựng đau của bệnh nhân, do đó họ rất dễ có cảm giác đau

Các đặc điểm của chứng đau đầu căng thẳng 
-    Cảm giác căng hoặc siết chặt ở các cơ vùng đầu và cổ 
-    Đầu đầu kiểu bị nén ép hoặc ê ẩm ở đầu, tăng nhạy cảm đau xung quanh đầu
-    Đau thường lan tỏa khắp đầu. Thường khó chịu nhất ở phần sau đầu (vùng chẩm) và vùng cổ
-    Đau đầu thường nặng hơn khi kèm theo stress, mệt mỏi, tiếng ồn, chói sáng hoặc vào cuối ngày

Hậu quả của đau đầu căng thẳng 
Chứng đau đầu làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc thường ngày của người bệnh. Nó làm giảm đi hiệu suất công việc, giảm khả năng tập trung. Trong cơn đau, người bệnh dễ bị cáu gắt, bực bội, sây sẩm kéo dài, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
Đau đầu căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, sụt cân, suy giảm khả năng tập trung.
 
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị 
Bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý ngày dựa trên việc hỏi kỹ bệnh sử đau đầu của bạn. Những thông tin về triệu chứng đau đầu như kiểu đau, thời điểm đau trong ngày, thời gian đau v.v…sẽ giúp ích rất nhiều cho bác sĩ. Khi bạn có tiền sử đau đầu đã lâu, việc ghi lại nhật ký về các cơn đau đầu thật sự rất hữu ích cho bạn và cho cả người bác sĩ điều trị trong việc theo dõi diễn tiến và hiệu quả điều trĩ.

Đối với bệnh lý đau đầu căng thẳng, các xét nghiệm máu, chụp x-quang đầu không đem lại nhiều giá trị giúp chẩn đoán. Chụp cắt lớp điện toán (Ctscanner) hoặc cộng hưởng từ (MRI) sọ não đôi khi cũng được chỉ định để giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý thần kinh khác dây đau đầu khác.

Khi bạn lần đầu tiên đối mặt với chứng đau đầu này, sự nghỉ ngơi thư giãn sẽ giúp giảm đau nhiều. Bạn cũng có thể sử dụng một số thuốc giảm đau thông thường như aspirin, acetaminophen, ibuprofen để làm giảm cơn đau, trước khi đến khám tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Bạn nên tư vấn ngay với bác sĩ chuyên khoa khi 
-    Đau đầu dữ dội xuất hiện đột ngột, kèm theo cảm giác sây sẩm , tê hoặc yếu tay chân 
-    Đau đầu trở nên thường xuyên làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
-    Mức độ đau đầu tăng lên khác với mọi ngày
-    Bạn đã uống rất nhiều loại thuốc giảm đau nhưng không thuyên giảm bệnh

Một số hướng dẫn chăm sóc cho bản thân khi bị đau đầu căng thẳng
-    Hãy tắm nước ấm
-    Dùng một túi nước ấm hoặc túi nước đá chườm lên vùng đầu hoặc cổ bị đau
-    Hãy nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Đảm bảo giấc ngủ đầy đủ ngay cả trong ngày cuối tuần và ngày lễ
-    Tập thể dục thường xuyên và đều đặn. Duy trì thói quen 20-40 phút vận động thể dục 3 lần mỗi tuần có thể giảm bớt căng thẳng và ổn định các hoạt động trong cơ thể
-    Ăn uống đầy đủ và đều đặn. Không bỏ bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn sáng.
-    Hãy uống nhiều nước trong ngày
-    Bạn nên loại bỏ các nguyên nhân gây stress, nên thư giãn sẽ giúp giảm đau nhiều
-    Tập yoga, thái cực quyền, hoặc thiền sẽ giúp bạn có sự thư giãn tốt
-    Duy trì sự liên lạc thường xuyên với người thân, bạn bè. 
-    Đi du lịch, đi về các vùng đồng quê. 
-    Học các kỹ thuật quản lý cảm xúc và tư tưởng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét